Hồn Việt

Chở hai con đi xem chương trình biểu diễn mang tên “Hồn Việt” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nhìn sự háo hức của con và các khán giả nhỏ tuổi trong nhà hát, bao cảm xúc yêu thương gắn bó với tuồng lại ùa về.
Tuồng trong ký ức của tôi là một buổi sáng mùa thu. Buổi sáng có khói bếp và hoa nở. Bà đứng ở góc vườn hít thở và thực hiện các động tác vũ đạo Tuồng ở tuổi thất thập. Bàn tay đưa ra “khán” dẻo về phía bình minh. Đôi chân “xuyến” nhẹ trên nền lá cỏ. Chiếc áo cánh vải tám trắng ngả màu năm tháng là hình ảnh theo tôi suốt tháng năm cuộc đời. Người xưa yêu Tuồng như con người bước qua tuổi trung niên trân quý hơi thở của chính mình vậy. Họ sợ sự mai một của Tuồng hơn sợ cái chết.
Tuồng với tôi là những buổi sáng mùa hè. Khi người trẻ trong làng đều bận lo việc đồng áng, những đứa trẻ trong nôi nằm tắm gội làn hơi, câu hát của bà. Những làn điệu ru, ngâm cho con cháu vào giấc ngủ hiền. Điệu Nam xuân bà hát cho cháu mà như hát cho chính mình, ước mơ một tương lai tươi đẹp và ấm áp yêu thương cho những thế hệ sau này.
Tuồng với nhiều thế hệ trước là những đêm thắp đuốc để đi tìm nguồn sức mạnh nuôi dưỡng ý chí chiến đấu. Tiếng trống chầu thúc giục đến từng cái cây ngọn cỏ vươn lên; những đôi mắt tướng sĩ truyền lửa, những đường hia tướng sĩ như những con thuyền vượt sóng cả; như mái đình bình yên trong lòng người hậu phương chờ đợi; là những tiếng thét căm hờn thấu tâm can đồng bào chiến sĩ; những tiếng hô vang tương ứng làm dậy lên ý chí đấu tranh. Những đao, thương linh hoạt, thoăn thoắt trên tay người nghệ sĩ thể hiện sự tôi luyện miệt mài của người nghệ sĩ. Những tay trống chầu dồn dập, từng bó thẻ tre tán thưởng như mưa trên sân khấu thể hiện sự hưởng ứng, đồng lòng, thán phục, ái mộ của khán giả đồng thời cũng thể hiện sức lôi cuốn mãnh liệt của sân khấu Tuồng buổi ấy.
Tuồng ở giai đoạn giao thời có nhiều khó khăn về cách tiếp cận và lôi cuốn giới trẻ nhưng sân khấu Tuồng hiện đại đã có nhiều nét mới, có những kịch bản và nội dung phù hợp với đời sống hiện đại. Sân khấu Tuồng đã có những đổi mới dựa trên nền tảng cũ, để vừa gần gũi, thu hút vừa giữ được bản sắc riêng. Mọi người ai cũng mong muốn những nét văn hóa độc đáo được giữ gìn và lan tỏa. Và việc chăm bẵm tình yêu đó cũng giống như chúng ta chăm bẵm một đứa con, một cái cây. Nó cần sự quan tâm, yêu thương thường xuyên để lớn lên.
Thế hệ trẻ bây giờ không có cơ hội tiếp xúc với Tuồng trước hết do sự phổ cập không thường xuyên. Như Quảng Nam là một trong những cái nôi của nghệ thuật Tuồng thì hiện nay các câu lạc bộ Tuồng hầu như đã mai một hoặc không còn do các nghệ sĩ lớn tuổi đã qua đời hoặc không còn sức gầy dựng nữa. Phụ huynh ở những nơi có nhà hát Tuồng lớn, biểu diễn thường xuyên lại không quan tâm đến việc sáng đèn của nhà hát. Có thể bỏ ra hàng triệu đồng để được gặp những ca sĩ thần tượng người nước ngoài nhưng chỉ vài chục ngàn đồng đưa con đến với sân khấu Tuồng thì không.
Tôi cam đoan trẻ em đều rất thích thú với chương trình biểu diễn lồng ghép của nhà hát Tuồng hiện nay. Khán giả nhí được đi tham quan bảo tàng trưng bày những đạo cụ Tuồng. Được xem các cô chú, bác nghệ sĩ hóa trang, vẽ mặt; được nghe âm thanh những nhạc cụ độc đáo của dân tộc; được chụp hình giao lưu với các nghệ sĩ nhà hát... Chỉ chừng đó thôi đã là một niềm tự hào, một trời kỷ niệm. Con mình còn hỏi vì sao nhà hát không có chương trình tích lũy điểm trên mỗi vé để đổi mặt nạ Tuồng?
Nếu có những chương trình hấp dẫn cho cả trẻ em và người lớn như Hồn Việt và sự quan tâm của phụ huynh thì nghệ thuật Tuồng không phải là nghệ thuật “vang bóng một thời” nữa mà sẽ là một loại hình nghệ thuật hưng thịnh và gần gũi có tính giải trí cần thiết cho người dân. Để giữ được chân khán giả vào những buổi đầu còn có những suy nghĩ ấu trĩ về Tuồng thì cần những người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật. Bên cạnh việc dàn dựng, phục hồi và dựng mới những vở diễn mẫu mực, các nghệ sĩ không ngừng sáng tạo tránh không phải “Gieo vừng ra ngô” mà là sự cải tiến, bồi đắp để những cây vừng toàn hạt chắc.
Tuồng thuộc trường phái nghệ thuât biểu hiện. Gìn giữ nghệ thuật Tuồng chính là khởi gợi và phát huy nét đẹp bình dị vốn có của mỗi con người. Ở khía cạnh nào đó, tôi yêu Tuồng, yêu những âm thanh gần gũi mộc mạc của đời sống. Vậy nên, có nói ngàn lời hay cũng không bằng một lần bạn được “mục sở thị”. Không phải thử mà chúng ta đều nên một lần đến với Tuồng, vì nó có một sức hấp dẫn kỳ diệu khiến bạn yêu, nhớ nhung và muốn gắn bó.
Bao Da Nang