Khai thác du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là sản phẩm độc đáo, thể hiện tốt bản sắc của địa phương, tuy nhiên, thời gian qua loại hình này chưa được chú trọng quan tâm. Mới đây, tại xã Hòa Bắc, đã có một dự án được triển khai nhằm hỗ trợ người dân địa phương làm du lịch cộng đồng với kỳ vọng sẽ có thêm một sản phẩm du lịch mới cho Đà Nẵng.
Ông Hoàng Văn Long, Trưởng nhóm chuyên gia của dự án “Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” cho biết, trong nghiên cứu về tiềm năng du lịch tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái tại cộng đồng dân tộc Cơ tu của hai thôn này gần như còn nguyên vẹn, rất thích hợp để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương sở hữu nhiều tài nguyên du lịch nhân văn, mang đậm bản sắc văn hóa nên có thể phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Theo đó, để phục vụ khách đến tham quan du lịch và tìm hiểu bản sắc văn hóa Cơ tu, dự án này đã hình thành 3 nhóm gồm: văn nghệ, ẩm thực truyền thống, đan lát, bước đầu đã phục vụ 10 đoàn khách với khoảng 120 lượt khách. Trước nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế đến với hai thôn của Hòa Bắc, từ 3 nhóm ban đầu đến giữa năm 2018 đã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch (gồm nhóm cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh…) với số lượng thành viên tham gia là 62 hộ dân địa phương. Từ đây đã thành lập được tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí.
Ông Long cũng cho biết thêm, bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Cơ tu tại 2 thôn được khôi phục, duy trì và phát huy bằng cách phục dựng các lễ hội và tái tạo không gian văn hóa cho cộng đồng như: cồng chiêng, trang phục, gùi, cung, tên và các vật dụng khác…; bước đầu hình thành, vận hành thí điểm hoạt động du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn văn hóa và cảnh quan. Địa phương phối hợp với các doanh nghiệp du lịch như Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), Công ty TNHH Du lịch V.E.I, Công ty Tư vấn du lịch cộng đồng CBT Travel… khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch tại 2 thôn; đồng thời tìm kiếm được đối tác mới về phát triển du lịch cộng đồng và mở rộng quảng bá được những sản phẩm ban đầu về du lịch đối với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên…
Là một trong những đơn vị rất quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I cho rằng, vẻ đẹp và sự lạ lẫm về văn hóa của cộng đồng Cơ tu Tà Lang - Giàn Bí đã được nhiều người biết đến. Lượng khách du lịch đến đây ngày càng đông, nhưng theo hình thức tự phát, chưa có các dịch vụ hay hàng lưu niệm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Vì thế, để khắc phục tình trạng trên với mục tiêu đưa vùng đồng bào dân tộc Cơ tu Tà Lang - Giàn Bí trở thành làng du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số, tăng sự hấp dẫn đối với khách du lịch thì phải xã hội hóa phát triển du lịch trên toàn thôn; từ đó xác định thị trường khách phù hợp và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng theo đặc trưng sinh thái núi rừng và văn hóa của cộng đồng dân tộc Cơ tu, gồm các sản phẩm đặc thù như: du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch sinh thái… Có thể là tour tham quan làng bản tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất của người dân; tour học nấu ăn/thưởng thức ẩm thực truyền thống Cơ tu; tour thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng; tour đi bộ ven suối, tắm suối; tour học bắn nỏ, ném lao; tour xem trình diễn các ngành nghề thủ công truyền thống, làm rượu cần, rượu tà vạt…
Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay, nhờ có các hoạt động của dự án mà hình ảnh bà con Cơ tu hai thôn Tà Lang, Giàn Bí được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè du khách trong nước và quốc tế. Các bản sắc văn hóa đang dần được khôi phục thông qua việc trưng bày các vật dụng của người Cơ tu; tái hiện trang phục truyền thống; cồng chiêng phục vụ lễ hội; sinh hoạt phong tục, tập quán của cộng đồng, xây dựng được nhãn hiệu cho cây dược liệu chè dây là sản phẩm địa phương… Hình ảnh đồng bào Cơ tu được biết đến nhiều hơn thông qua việc in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông, quảng bá du lịch cộng đồng. Người dân được tập huấn kiến thức về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, được đi tham quan mô hình du lịch sinh thái ở các địa phương… Nhận thức của đồng bào hai thôn đã có những chuyển biến rõ nét và bắt đầu có những hoạt động đón khách theo các nhóm đã được hình thành. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện hỗ trợ để bước đầu hình thành một homestay tại thôn Giàn Bí để phục vụ khách du lịch đến với Hòa Bắc.
Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, hai thôn đồng bào Cơ tu ở xã Hòa Bắc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhưng các tiềm năng, thế mạnh đó chưa được khai thác một cách hiệu quả. Hiện nay, các vấn đề liên quan như: ẩm thực, văn nghệ, sản phẩm lưu niệm… tại hai thôn đã tạm ổn, chỉ thiếu nơi lưu trú. Vì thế, trong thời gian tới, huyện đang tập trung phát triển, dự kiến giữa năm 2019 sẽ ra mắt homestay đầu tiên tại hai thôn. Ngoài ra, ngành chức năng sẽ mở các khóa đào tạo ngắn hạn tại chỗ; đào tạo kỹ năng phục vụ vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn trong phục vụ khách du lịch; các kiến thức về nhu cầu, sở thích, thói quen, tập quán giao tiếp ứng xử của khách du lịch…
Bài và ảnh: THU HÀ
Báo Đà Nẵng