Chạy xe chầm chậm quanh con đường ven bán đảo, du khách không chỉ được ngắm khung cảnh thơ mộng của thành phố mà có khi còn nhìn thấy từng gia đình voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng được coi là biểu tượng của bán đảo Sơn Trà, đang thong dong ngồi ăn lá cây, xen kẽ những tán lá đỏ, những chùm hoa vàng nở rộ ven rừng. Giữa không gian thơ mộng ấy, nhiều du khách, bạn trẻ, nhiếp ảnh chuyên và không chuyên tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên.
Thường xuyên lên Sơn Trà chụp ảnh, anh Nguyễn Trung Hiếu, nhiếp ảnh gia bày tỏ, nếu đã đến Sơn Trà thì ai cũng sẽ thích nơi đây vì cảnh sắc rất tuyệt, bốn mùa hoa nở, mùa nào hoa đó. Thông thường, du khách lên sớm để ngắm hoa vàng, nhưng đông nhất có lẽ là mùa hoa tím (hoa sim và hoa thàn mát).
Ngoài những con đường quanh co, biển xanh bao la, hoa lá rực rỡ, Sơn Trà còn thu hút ở vẻ đẹp rất riêng, đó là các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voọc cũng như các loài chim. Vì yêu thích vẻ đẹp độc đáo của Sơn Trà nên cứ ngoài giờ làm, thỉnh thoảng anh Hiếu lại chạy lên đây vừa “săn” ảnh đẹp, vừa thư giãn.
Cũng đến Sơn Trà đúng mùa hoa lim xẹt và hoa sim nở tím lối đi, anh Trần Anh Quang (du khách đến từ Hà Giang) chia sẻ: “Đã được nghe bạn bè giới thiệu, báo chí nhắc nhiều đến Sơn Trà, nhưng tới đây rồi mới thấy phong cảnh hùng vỹ và đẹp quá, không khí rất thoáng mát và trong lành. Ngoài ngắm hoa, chúng tôi còn được ngắm toàn cảnh Đà Nẵng. Có lẽ, không nơi đâu có núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi như thế này”.
Nói như nhiều du khách, khi đã đặt chân đến Sơn Trà đúng mùa hoa sẽ cảm thấy như lạc vào chốn thần tiên, trút bỏ hết lo toan thường ngày để hòa mình với thiên nhiên trong lành.
Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, mùa hoa ở Sơn Trà thường nở nhiều ở tuyến Tiên Sa và Bãi cát vàng. Vì vậy, ông Hải khuyến cáo người dân địa phương và du khách khi đến với Sơn Trà hãy chỉ ngắm hoa và mang về những bức hình đẹp, đừng ngắt cây, bẻ cành.
Bên cạnh đó, du khách cũng không nên cho khỉ đồ ăn, vì đồ ăn có thể mang mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật hoang dã cũng như tập quán kiếm ăn của loài vật này.
“Quan trọng nhất là khi đến Sơn Trà, du khách mang theo đồ ăn, nước uống thì hãy mang rác về. Sự chung tay, góp sức của du khách chính là cách bảo vệ môi trường, thiên nhiên, giữ gìn vẻ đẹp của Sơn Trà một cách hiệu quả nhất”, ông Phan Minh Hải nhấn mạnh.
HÀ KHUÊ
Báo Đà Nẵng