Dự kiến, phần lễ bao gồm các hoạt động: Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch; Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các tỉnh, thành phố tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý – 2020; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương và tại các gia đình người dân trên địa bàn tỉnh ngày 10/3 âm lịch. Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, nổi bật có lễ khai mạc, các chương trình triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật các vùng kinh đô xưa và nay, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, các giải quần vợt, bóng chuyền, hội thi bơi chải…
Lễ Giỗ tổ Hùng vương nhằm giáo dục về ý nghĩa của ngày Giỗ tổ; truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng và các bậc tiền nhân – những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giữ gìn, dựng xây và phát triển đất nước.
Đồng thời giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa và những phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam; cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đây cũng là dịp để nâng cao năng lực quản lý, tổ chức lễ hội, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn, chung sức đầu tư tôn tạo, xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng xứng với tầm vóc là nơi thờ tự tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam./.