Về thăm làng Phạm Pháo mọi người không khỏi ngỡ ngàng bởi nơi đây hầu hết dân làng đều biết chơi kèn. Không chỉ chơi kèn giỏi, người dân ở đây còn là những nghệ nhân làm kèn, sửa kèn tài hoa.
Kèn tây đã trở thành thứ nhạc cụ phổ biến và quen thuộc đối với người dân làng Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây cũng là nơi cung cấp và sửa chữa kèn đồng nổi tiếng ở nước ta.
Những ngày đầu tiên, kèn được nhập từ nước ngoài với số lượng rất ít. Sau một thời gian sử dụng thì những chiếc kèn ấy cũng hỏng. Vì vậy, người mê nhạc cụ tìm tòi và tự nghiên cứu để chế tạo những chiếc kèn đồng đầu tiên. Ban đầu, những chiếc kèn sản xuất ra chỉ nhằm mục đích phục vụ cho người chơi nhạc trong huyện. Điểm đặc biệt của kèn Phạm Pháo là được làm thủ công. Chỉ những chiếc kèn to thì mới sử dụng đến máy móc để tiện nhưng cũng được mài bóng và hoàn thiện thủ công. Trước kia, nguyên liệu làm kèn được lấy chủ yếu từ vỏ đạn, mâm đồng... Ngày nay, nguyên vật liệu làm kèn đã sẵn có nên năng suất làm đã tăng đáng kể, người làm kèn cũng đỡ vất vả hơn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đông và bà Phạm Thị Tin là một hộ gia đình sản xuất và sửa chữa kèn nổi tiếng trong làng. Bà Phạm Thị Tin cho biết, nghề làm kèn đòi hỏi sự am hiểu về âm, luật; người làm kèn phải có sự công phu, tỉ mỉ vì kèn có độ tinh xảo rất cao. Đơn cử như kích cỡ lỗ to hơn hay nhỏ hơn quy chuẩn thì âm sắc của kèn đã bị biến đổi hoàn toàn. Để tạo ra một chiếc kèn, người thợ phải cẩn trọng từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ nhất để âm sắc của kèn chuẩn xác. Trung bình để làm ra mỗi chiếc kèn thường mất khoảng 20 ngày, kèn to thì kéo dài từ 1 đến 2 tháng.
Nói về việc phát triển nghề kèn trong tương lai, ông Nguyễn Văn Đông chia sẻ, gia đình ông đang có dự định sẽ mua lại bản quyền công nghệ của nước ngoài để có thể tự sản xuất nhiều hơn, do việc sản xuất kèn ở trong nước có giá thành bằng 1/5 kèn nhập từ nước ngoài mà chất lượng thì không hề thua kém./.