Những chiếc xe thông tin

Nhằm hỗ trợ du khách khi đến tham quan du lịch tại thành phố Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố đang thí điểm trạm thông tin du lịch mô hình xe cổ. Những chiếc xe cổ này không chỉ hỗ trợ du khách mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan, là điểm chụp hình lưu niệm được khách du lịch yêu thích.
Ngang khu vực cầu Rồng, đường Võ Nguyên Giáp…, không chỉ khách du lịch mà ngay cả người dân địa phương cũng bị thu hút bởi những chiếc xe cổ (không động cơ) với hai gam màu cam, trắng. Những chiếc xe này được thiết kế mô phỏng theo dòng xe danh tiếng của hãng Volkswagen, đã ngừng sản xuất ở thế kỷ 20.
Mỗi xe có diện tích sàn khoảng 12m2, một bên hông của xe có trang bị màn hình LED quảng bá du lịch Đà Nẵng. Không gian bên trong có một tủ lạnh để bán các loại nước đóng chai, hai quạt trần nhỏ, tờ rơi giới thiệu du lịch Đà Nẵng, bản đồ du lịch và một hướng dẫn viên.
Được biết, mô hình này là ý tưởng của Sun Group và do tập đoàn này hỗ trợ kinh phí đầu tư, lắp đặt, vận hành, cung cấp hướng dẫn viên. Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, phối hợp cùng Sun Group thống nhất nội dung tuyên truyền, quảng bá và tập huấn cho hướng dẫn viên trực trạm.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc tăng cường xã hội hóa trong hoạt động du lịch nói chung, nhất là trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch là yêu cầu và xu thế đối với phát triển của ngành du lịch thành phố.
Trên tinh thần và chủ trương đó, Sun Group đã mạnh dạn hưởng ứng tham gia. Sở Du lịch đã phối hợp các ngành và Sun Group khảo sát, lựa chọn địa điểm, chỉnh sửa thiết kế hoàn thiện mô hình cũng như các thủ tục liên quan để thí điểm hình thành 5 trạm thông tin với mô hình xe cổ như đã thấy hiện nay”.
5 trạm thông tin này được đặt ở vỉa hè đường Bạch Đằng (phía bắc cầu Rồng), vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (phía bắc cầu Rồng), Công viên Biển Đông, vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp gần giao lộ Võ Văn Kiệt và gần giao lộ Nguyễn Văn Thoại, đi vào vận hành ngày 20-3-2018, được phép thí điểm trong thời hạn một năm.
Ngày nào cũng vậy, từ 15 giờ đến 22 giờ những chiếc xe này sẽ “chạy”. Vào ca, công việc đầu tiên của hướng dẫn viên là kiểm tra các mẫu tờ rơi, quảng cáo, sau đó là  hỗ trợ, cung cấp thông tin cho du khách. Chủ yếu, khách hỏi về các địa điểm tham quan, vui chơi, ăn uống, khách sạn…
Chị Huỳnh Thị Kim Tuyết, hướng dẫn viên đứng trạm đường Trần Hưng Đạo, phía bắc cầu Rồng chia sẻ, có những vị khách nước ngoài không thông thạo tiếng Anh thì chị phải kết hợp giữa việc nói với ngôn ngữ cơ thể, may sao khách hiểu ý mình muốn nói.
Mỗi lần đứng trạm là được nghe tâm sự từ những vị khách. Có những Việt kiều, sau khi hỏi thông tin xong thì nán lại, trò chuyện cởi mở về nỗi lòng của một người con xa quê lâu năm, trở về và chứng kiến cảnh quê hương ngày một thay da đổi thịt.
Vợ chồng anh Lê Xuân Ng. (du khách từ Tuy Hòa) ghé trạm thông tin ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo để hỏi về giá đi thuyền du lịch trên sông Hàn. Anh chị đã được hướng dẫn viên hướng dẫn đến địa điểm mua vé. Anh Ng. chia sẻ: “Tôi thấy nhân viên hỗ trợ rất nhiệt tình. Trạm thông tin được thiết kế theo mô hình xe cổ trông khá hay và bắt mắt”.
Còn vợ chồng ông Jay (du khách đến từ Mỹ) ghé trạm thông tin tại Công viên Biển Đông hỏi thăm về cách di chuyển đến Ngũ Hành Sơn và nơi đổi ngoại tệ.
Ông Jay bày tỏ: “Những trạm thông tin du lịch như vậy rất cần thiết, nhất là với những khách du lịch nước ngoài như chúng tôi. Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ trước khi đến Đà Nẵng nhưng chúng tôi cũng cần hỗ trợ những thông tin chi tiết hơn. Bạn hướng dẫn viên rất nhiệt tình và thông tin khá tốt. Nhưng tôi nghĩ cần thông tin chi tiết hơn về các điểm du lịch ở Đà Nẵng và phương tiện di chuyển”.
Ông Trần Chí Cường cho hay, việc hình thành các trạm thông tin sẽ góp phần hỗ trợ du khách nắm bắt đầy đủ hơn về điểm đến ở Đà Nẵng; đồng thời hạn chế phần nào các tiêu cực có thể xảy ra đối với du khách, góp phần xây dựng điểm đến du lịch thân thiện, an toàn, thoải mái, tiện lợi. Và hướng thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng ở các khu, điểm du lịch, các khu đông du khách.
MAI HIỀN