Phát triển du lịch cộng đồng

Lợi thế phát triển du lịch biển Đà Nẵng nhiều, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương, do đó, Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái được Sở Du lịch xây dựng sẽ khai thác du lịch kết hợp với bảo tồn làng nghề thủy sản truyền thống, giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với Đà Nẵng.
Lợi thế phát triển du lịch biển Đà Nẵng nhiều, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương, do đó, Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái được Sở Du lịch xây dựng sẽ khai thác du lịch kết hợp với bảo tồn làng nghề thủy sản truyền thống, giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với Đà Nẵng.
Việc hình thành sản phẩm mới cho du lịch địa phương là rất cần thiết, vì sẽ tạo được sự khác biệt với các điểm đến lân cận. Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, đối với mô hình du lịch cộng đồng thì hiện trạng bãi biển Thọ Quang, Mân Thái có nhiều nét tương đồng phù hợp để triển khai. Cụ thể, khu vực bãi biển dài khoảng 1,2km, rộng 70m được phủ xanh bởi dừa, dương liễu và thảm rau muống biển nằm liền kề với khu làng chài Thọ Quang, nơi hằng ngày diễn ra các hoạt động mưu sinh đặc trưng của ngư dân địa phương như kéo lưới, đánh bắt cá...
Ngoài ra, khu vực Mân Thái, Thọ Quang có làng nghề thủy sản truyền thống lâu đời, nghề đánh bắt thủy sản bằng ghe nhỏ, thúng chai, có truyền thống đánh bắt ven bờ, sống bám theo nghề đánh cá, bắt hàu... các ngư lưới cụ, các lễ hội truyền thống Nghinh Ông - Cầu Ngư, Lăng Ông, Lăng Bà, chợ hải sản... hình thành nét văn hóa làng biển lâu đời. Đây chính là cơ sở để gắn với các loại hình dịch vụ ven biển phục vụ du khách khám phá nét đặc trưng du lịch với cộng đồng dân cư địa phương góp phần thu hút du khách đến với thành phố Đà Nẵng.
Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang, Mân Thái được nghiên cứu, xây dựng trong khoảng 1,2km từ phía bắc dự án Fusion Suites Danang Beach đến giáp Nhà Trưng bày Hoàng Sa và khu dân cư dọc tuyến phía tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp. Trên cơ sở tham khảo, học tập theo mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng Boracay (Philippines) và tình hình thực tế tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái, các dịch vụ du lịch được bố trí thành 6 cụm dịch vụ với diện tích mỗi cụm là 1.600m2 (dài 80m, rộng 20m) từ bờ kè ra mép biển, mỗi cụm bố trí ít nhất 5 trong 9 loại hình dịch vụ kèm theo như: dịch vụ cà-phê, bar tại bãi biển; dịch vụ ẩm thực, quầy lưu niệm, thử làm ngư dân, các cụm sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ thể thao giải trí biển, lặn ngắm san hô; trong đó dịch vụ “thử làm ngư dân” với hoạt động lắc thúng chai, đan thúng, đan lưới, câu cá cùng ngư dân...
Ông Phan Minh Hải chia sẻ thêm, để mô hình này hiệu quả thì cần phải định hướng thị trường khách phù hợp như tập trung vào khai thác thị trường khách nội địa yêu thích loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá; đối với thị trường khách quốc tế nên tập trung vào các thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường khách tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ...
Tuy nhiên, nếu triển khai ở khu vực này sẽ gặp một số hạn chế nhất định do đây là khu vực neo đậu, tập kết thuyền thúng của ngư dân khai thác hải sản ven bờ thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ. Vì thế, cần có sự kết nối, thống nhất hài hòa với các hoạt động hiện đang có tại khu vực tạo sự đồng thuận trong cộng đồng ngư dân; xây dựng hệ thống cấp điện, cấp thoát nước trên vỉa hè, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn du lịch để phục vụ du khách; các dịch vụ vui chơi, giải trí biển để phục vụ người dân và du khách...
Theo lãnh đạo UBND quận Sơn Trà, việc triển khai các loại hình du lịch phù hợp với cảnh quan, định hướng phát triển của  ngành du lịch thành phố là cần thiết. Sự hình thành của khu du lịch cộng đồng ven biển Thọ Quang - Mân Thái sẽ tác động trực tiếp đến phát triển du lịch của địa phương nói riêng và đến sự phát triển du lịch của thành phố nói chung thông qua 3 tác động rõ rệt là tăng nguồn thu, tạo việc làm và phát triển khu vực thông qua phát triển hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư...
Trong đó, phải tính toán hợp lý để khi mô hình này đi vào hoạt động, người dân chính là người được hưởng thụ, bãi biển phải là không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Các hoạt động phải ưu tiên người dân địa phương của khu vực đó, ví dụ như trong việc sử dụng lao động khi mời các nhà đầu tư đến thì các sản phẩm của địa phương cũng phải được ưu tiên trước nhất.
Nếu được, đề nghị cho phép quận Sơn Trà mời những nhà đầu tư có tiềm năng để có thể phối hợp triển khai. Về phía quận sẽ thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm vừa phát triển được kinh tế địa phương vừa tạo công ăn việc làm cho chính những người dân ở đây.
Bao Da Nang