06 Tháng 1, 2020
(Tạp chí Du lịch) - Giữa màu xanh đại ngàn, thấp thoáng dáng hình của những cô gái Mông trắng khoác trên mình bộ trang phục rực rỡ rảo bước chân về bản hay cùng bạn bè đi chợ phiên. Họ như những bông hoa tô điểm cho vẻ đẹp của bản làng, núi rừng.
Dân tộc Mông gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau như Mông đen, Mông đỏ, Mông hoa, Mông trắng... cư trú rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc nhận diện và phân biệt các nhóm Mông chủ yếu dựa vào sắc phục. Trang phục của người Mông được xem là cầu kỳ, tinh tế, là một trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam.
Trang phục của người Mông trắng mang nét chung của người Mông, nhưng nổi bật nhất chính là chiếc váy xòe màu trắng được dệt bằng sợi bông hay sợi lanh. Các bộ phận khác của trang phục như áo, khăn quấn, tạp dề, thắt lưng, xà cạp... cũng góp phần tôn tạo nét đẹp thanh khiết của các cô sơn nữ.
Áo của người Mông trắng trên cao nguyên đá Hà Giang được thiết kế cầu kỳ với màu sắc sặc sỡ, nổi bật gam màu xanh cốm, được đính các hạt cườm óng ánh. Cổ hình chữ V, phía sau là một miếng vải thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn. Hai ống tay áo được thêu bằng những đường viền ngang đủ sắc màu từ nách đến cổ tay. Đây cũng là nơi tập trung nhiều hoa văn nổi bật làm chiếc áo người Mông trắng thêm rực rỡ.
Váy của phụ nữ Mông trắng có nhiều nếp gấp rộng khi xẻ ra, mềm mại như những cánh hoa. Phần thân váy là nơi tập trung các họa tiết trang trí tinh xảo. Chiếc thắt lưng được quấn ngang bụng tạo nên đường eo thon, làm cho vóc dáng các thiếu nữ đẹp hơn. Khăn vấn được quấn quanh đầu bằng dải vải màu trắng có hoa văn đơn giản. Chiếc mũ được trang trí những đường riềm tinh tế, xung quanh có đính những hình quả trám và tua rua đẹp như chiếc vương miện.
Còn trang phục truyền thống của người Mông trắng ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có nét khác lạ so với nhóm địa phương khác ở miền núi phía Bắc. Chiếc khăn quấn đầu có hình mũi nhọn, chếch ra phía trước. Áo xẻ ngực có cổ lật ra phía sau gáy, ống tay áo thêu hoa văn xếp thành từng vòng tròn đến cổ tay. Váy màu trắng, có hình nón cụt, khâu xếp thành nếp, có thể xòe rộng, được làm từ vỏ cây lanh, qua nhiều công đoạn mới thành sợi làm nguyên liệu dệt vải. Cùng với váy có tạp dề để đằng trước và đằng sau. Xà cạp quấn hai bắp chân nhằm tạo sự kín đáo cho phụ nữ.
Có thể thấy mỗi bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông trắng là một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi nhóm Mông trắng ở từng địa phương có sự sáng tạo khác nhau nhưng đều giống nhau ở chiếc váy xòe màu trắng. Những bộ phận trang phục đi kèm như áo, khăn, tạp dề, xà cạp đều được chăm chút đến từng chi tiết. Bên cạnh màu trắng tinh khôi trên chiếc váy, các mảng màu, hoa văn phối hợp làm nên vẻ đẹp hoàn hảo của di sản thời trang ấn tượng nhất trên vùng núi cao. Đó không chỉ đơn thuần thể hiện sự tinh tế, khiếu thẩm mỹ mà còn là nét văn hóa tâm linh truyền thống lâu đời của dân tộc Mông.
Trịnh Thảo